ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ
Con người luôn bị nghiệp chi phối. Nghiệp chính là những thói quen hàng ngày mà con người tạo tác nên. Nghiệp hiện tại hay định nghiệp nếu không có phương pháp ngăn chặn ta sẽ mang nghiệp này qua kiếp sống kế tiếp tạo thành nghiệp quá khứ. Do ta phóng tâm ra bên ngoài tạo thanh thói quen dẫn dắt ta trong luân hồi. Sự vọng tưởng làm ta không bình yên, tâm lúc nào cũng loạn động không làm chủ được mình nên hơi thở bị đình trệ không đủ khí vận hành trong cơ thể.
Pháp Định Niệm Hơi Thở hay còn gọi là pháp Kinh Hành. Pháp Kinh Hành chân truyền nguyên thủy của Chư Phật là khi đi tay bắt ấn tam muội, tập trung vào hơi thở, tập trung vào từng bước đi. Pháp Định Niệm Hơi Thở theo nguyên tắc lấy khí làm chủ nên lúc nào cũng phải để ý đến hơi thở nếu không làm chủ được hơi thở vọng niệm sẽ nổi lên, chân đi sẽ không vững. Khi đi Định Niệm Hơi Thở ta sẽ căng gân căng cơ, hít sâu thở nhẹ, ta hoàn toàn tập trung vào từng bước đi từng hơi thở nên không tạo sự suy nghĩ, tâm ta tĩnh lặng nhẹ nhàng. Nếu ta không ý thức được ta, sẽ sinh ra vọng tưởng. Nếu ta ý thức được sự tồn tại của ta với vũ trụ thì không có suy nghĩ mà không có suy nghĩ thì ta mới ý thức được ta nên lúc nào ta cũng ở trạng thái tỉnh thức. Nếu ta tu liên tục pháp này trong một thời gian năng lượng trong cơ thể sẽ tích tụ rất mạnh nên người lúc nào cũng tỉnh thức, nhẹ nhàng không còn ham thích những cảm giác dục vọng. Nếu ta tu pháp Định Niệm Hơi Thở một ngày thì sẽ có một ngày tỉnh thức. Nếu ta tu một năm thì sẽ có một năm tỉnh thức. Nếu ta tu một đời thì sẽ có một đời tỉnh thức. Vì khi tỉnh thức thì ta không phạm luật, không phạm luật tức là đang giữ giới luật. Định Niệm Hơi Thở là đỉnh cao của việc giữ giới luật. Tu theo pháp này chính đang giữ giới luật.
Con người có hai loại nghiệp: Định nghiệp (nghiệp hiện tại) và nghiệp tồn kho (nghiệp quá khứ).
Phương pháp Định Niệm Hơi Thở nhằm mục đích không thu dòng năng lượng của nghiệp hiện tại đem lưu trữ vào kho là hai bán cầu đại não – nhằm ngăn chặn nghiệp chướng bên ngoài để không cất vào kho nghiệp (A-lại-da-thức) tạo thành nghiệp quá khứ của kiếp sau.
Pháp môn này là nền tảng cho pháp Thân Hành Niệm vì phải ngăn ngoại nghiệp bên ngoài và giải quyết nội nghiệp bên trong. Ví dụ như ta đã ngăn không cho bụi bặm bên ngoài bay vào trong nhà nhưng còn bụi bặm có sẵn bên trong nhà, nếu muốn bên trong nhà sạch sẽ thì ta phải quét dọn, để quét dọn thì ta phải cần có chổi, chổi đó chính là pháp.
Thế giới này vốn đã tịch diệt rồi, do sự vọng tưởng, loạn động mà con người luôn xáo động tâm thức chính mình. Con người luôn tìm cầu bên ngoài để hứa hẹn một sự bình yên ở ngày mai thì không bao giờ có được. Vì hôm nay cũng đã từng là ngày mai. Sự bình yên vốn sẵn có trong tâm thì không cần tìm ở đâu nữa. Ngay khi tỉnh thức ta sẽ thấy rõ ràng con đường đưa ta trở về với Nguồn Cội.