Quán Âm (Nhĩ Căn Viên Thông)
Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, hai mươi lăm vị Bồ Tát trình bày phần tu chứng, trong đó Đức Quán Thế Âm Bồ Tát bạch Phật rằng: “ Trong vô số hằng sa kiếp về trước có Đức Phật ra đời hiệu là Quán Thế Âm. Ở trước Đức Phật ấy, con đã phát tâm bồ đề. Ngài dạy con do từ văn, tư, tu mà nhập tam-ma-địa. Ban đầu, con ở tánh nghe mà được vào dòng, mất tướng sở-văn. Chỗ vào đã vắng lặng, hai tướng động và tĩnh rõ ràng không sinh. Cứ như thế mà tăng tiến dần, cả năng-văn và sở-văn đều mất hết. Ngay chỗ này con vẫn không dừng lại, mà tiến lên thêm nữa, đến chỗ năng-giác và sở-giác cũng đều không. Rồi cả hai ý niệm “năng-văn, sở-văn” và “năng-giác, sở-giác đều không” đều bị dứt trừ trọn vẹn; năng-không và sở-không hoàn toàn tiêu mất. Sinh diệt đã tiêu vong thì cảnh giới tịch diệt hiện rõ trước mắt”.
Phật Thích Ca bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi xét kĩ trong hai mươi lăm pháp môn tu tập đó, pháp tu nào hợp với căn cơ của A Nan và chúng sanh tu tập theo hạnh Bồ Tát mà cầu đạo Bồ đề Vô thượng, thì nên dùng pháp môn phương tiện nào để dễ thành tựu. Ngài Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi xem xét hai mươi lăm pháp môn và chọn ra pháp môn Quán Âm hay Nhĩ Căn Viên Thông là thù thắng nhất.
Phật đã ấn chứng pháp môn Nhĩ Căn Viên Thông hay pháp Quán Âm Thanh là phương tiện thành tựu cho chúng sanh thời mạt pháp, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đóng triện rằng Ngài cũng thành tựu từ pháp môn này, mười phương Chư Phật thành tựu cũng nhờ pháp môn này, Chư Bồ Tát cũng thành tựu từ pháp môn này, Phật Thích Ca cũng tu từ pháp môn này và đời mạt pháp chúng sanh cũng tu pháp môn này mà thành Phật, tu pháp môn này mà giải thoát.
Các pháp môn khác đều cần tha lực. Riêng pháp môn Quán Âm tự tu không cần tha lực vì tu Quán Âm chính là tha lực. Nên nói Quán Âm đã có từ rất lâu hằng sa số kiếp về trước. Đó chính là âm thanh nguyên bản từ vô thỉ. Do bị thất truyền do con người vô minh không nhận ra. Nên trong kinh điển chỉ nói có âm thanh như vậy còn để đi vào cuộc thực nghiệm thì cần có Minh Sư khai mở, câu thông cho ta năng lượng nguyên bản đó để ta mới thấy rõ ràng con đường tu tập giải thoát là có thật chứ không phải sự mê mờ bằng lời nói. Kinh điển lưu lại chỉ là những công năng phóng chiếu còn thực nghiệm chỉ là tâm truyền tâm của các vị Minh Sư và đệ tử. Và Kinh điển cũng để lại một sự kiểm chứng cho các pháp chứ không phải một sự mù quáng trên con đường tu tập.
Trong Kinh Pháp Hoa – Phẩm Phổ Môn, Phật Thích Ca cũng đã nhắc lại cho đại chúng nghe về cách tu của Bồ Tát Quán Thế Âm:
“Diệu âm, Quán Thế âm,
Phạm âm, Hải Triều âm,
Thắng Bỉ thế gian âm,
Thị cố tu thường niệm”.
Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật Thích Ca thọ ký Bồ Tát Di Lặc đời sau sẽ tu thành tựu quả vị Phật từ pháp môn Nhĩ Căn Viên Thông, tu thức đại mà thành để trở thành bất thức. Đó là phương pháp tu của Phật Di Lặc và trong thời đại của Ngài lấy pháp môn Quán Âm là phương tiện cứu cánh cho chúng sinh tu tập.
Thời Mạt Pháp, ta muốn tu pháp môn Quán Âm phải có vị Minh Sư thọ pháp. Minh Sư sẽ hướng dẫn ta nghe qua các tầng âm thanh của vũ trụ như: Phạm Âm, Thắng Bỉ Thế Gian Âm, Lôi Chấn Âm, Hải Triều Âm. Các âm thanh này phải nghe bằng tự tánh chứ không phải nghe bằng tai với các âm thanh bên ngoài. Đây là âm thanh nguyên bản của vũ trụ nên muốn trở về lại nguồn cội ta phải trụ ở âm thanh này. Khoa học thực nghiệm chứng minh rằng nơi nào có năng lượng thì nơi đó có ánh sáng và âm thanh. Ánh sáng và âm thanh trở thành chất liệu sống trên trái đất. Không có ánh sáng và âm thanh thì không có sự sống. Vũ trụ được hình thành từ vụ nổ Big Bang – vụ nổ chấn động văng ra năng lượng dưới dạng ánh sáng và âm thanh mà hình thành nên vũ trụ. Năng lượng nguyên bản tạo ra ánh sáng và âm thanh nguyên bản. Từ vô thỉ, bản thể Diệu tâm ta ở đó, tức dòng năng lượng nguyên bản của tâm ta. Nếu muốn trở về ngôi nhà xưa ta phải đi qua âm thanh và ánh sáng. Đó là quá trình lội ngược dòng nước, cỡi tia nắng trở về mặt trời.
Âm thanh chính là tinh hoa của vũ trụ vì nó lan tỏa trong không gian như sóng biển. Ba cõi sáu đường cũng có các âm thanh và ánh sáng riêng của nó.
Chúa Jesu nói: “Ánh sáng và âm thanh chịu tội lỗi biến thành hình hài”.
“Ta đứng trước cửa các con mà gõ, gõ cho đến ngày tận thế”.
“Ai có tai thì nghe, có mắt thì thấy”.
Trên hành trình trở về Nguồn Cội là một hành trình đầy gian khó và thử thách đòi hỏi ta phải có ý chí bứt phá ra khỏi mọi sự ràng buộc, cám dỗ của thế gian. Vì vậy cần có Minh Sư hướng dẫn để ta không đi sai đường. Minh Sư sẽ cho ta phương tiện cho ta bản đồ trên hành trình trở về. Các pháp cơ bản Dịch Cân Kinh, Định Niệm Hơi Thở, Thân Hành Niệm nhằm giúp khơi gợi tánh Tịnh, tánh Không và vựt dậy Đại Thế Chí Bồ Tát trong tâm. Ngộ Năng là bản thể của tâm phàm tình. Tam Tạng là đại diện cho trí tuệ. Khi đã có đầy đủ bốn thầy trò Đường Tăng cần có Bồ Tát Quán Thế Âm theo dõi trong suốt chặng đường trở về đất Phật vì trên đường đi có rất nhiều cám dỗ của ma quỷ. Đó chính là những vọng tưởng thế gian, những nghiệp từ tiền kiếp, những nghiệp của hiện tại sẽ không để cho ta yên. Pháp Quán Âm như cách tròng vòng kim cô để giữ con khỉ đột trong tâm ta ngồi yên. Khi được bình yên, dòng năng lượng nguyên bản của tâm sẽ được kích hoạt, kết hợp với trí tuệ ta dùng năng lượng này đốt đi các nghiệp tồn kho từ tiền kiếp, xóa sáu thức do sáu căn đối cảnh sáu trần nạp vào đại não, chỉ còn năng lượng của tự tánh hiện hữu. Tình quên, thức hết, ta lặng lẽ sống những ngày tháng qua. Không cần ai biết đến ta, ta cũng không cần biết đến ai. Không có cảnh khổ cũng không có cảnh vui, ta an nhiên tự tại trong tự tánh.
Thời Phật Thích Ca có pháp môn Sổ Tức Quán – theo dõi hơi thở để trừ đi những vọng niệm. Do con người thời đó tâm họ còn đơn giản nên pháp môn đó phù hợp dễ tu. Nhưng đến thời đại bây giờ do tâm con người ảo tưởng quá nhiều, sự chấp thủ quá nhiều nên phương pháp Sổ Tức Quán không đủ lực để diệt trừ đi những vọng tưởng đó. Thời Mạt pháp này chỉ có pháp môn Quán Âm là thù thắng nhưng Quán Âm cũng không đủ sức diệt trừ vọng tưởng do khối mây nhiễm chấp của con người quá dày. Pháp môn Quán Âm phải kết hợp với tâm buông bỏ. Vì khi ngồi thiền trong tâm ta phải không còn bất cứ sự ham muốn nào thì ta mới trụ được Quán Âm. Nếu trong tâm vẫn còn ham muốn thì không trụ được Quán Âm, âm thanh sẽ bị mất liền do những vọng tưởng cuốn đi. Thậm chí sự ham muốn trong tâm vẫn còn sẽ đánh bay cả tánh Không. Chỉ khi không còn sự ham muốn thì tánh Không mới tồn tại. Muốn tánh Không tồn tại phải có Quán Âm nên tánh Không với Quán Âm là một thì mới giữ được âm thanh lâu dài đi qua các dòng nghe đến chỗ không nghe. Vì vậy, chỉ có pháp môn Quán Âm mới diệt được vọng tưởng của con người còn các pháp môn khác khi xả ra thì tràn lại như sóng biển.
Pháp môn Quán Âm cực kì quan trọng giúp ta mở được cửa trời để nhận năng lượng của vũ trụ. Pháp môn Quán Âm mới giúp ta dọn dẹp những bụi bặm che mờ đi vị Phật trong tâm, dọn đến đâu sáng đến đó để cuối cùng là vị Phật sáng ngời.
Các pháp Dịch Cân Kinh, Định Niệm Hơi Thở, Thân Hành Niệm đều phục vụ cho pháp Quán Âm. Âm thanh cực kì quan trọng. Vì khi hành thiền ta sẽ trụ ở Âm thanh, chính khi nghe âm thanh là ta đang kéo hết các lực lượng trong cơ thể để tạo một áp suất đẩy chơn thần từ đan điền lên. Khi chơn thần được đẩy lên sẽ khai mở các luân xa. Đồng thời khi nghe Quán Âm là ta đã mở cửa trời để nhận năng lượng vũ trụ xối xuống để đủ năng lượng hút chơn thần lên tiểu não. Cửa trời này càng mở thì gió sẽ ầm ầm cho đến khi cửa trời mở hoàn toàn thì tràn ngập năng lượng êm dịu như mặt biển không gợn sóng. Đó chính là một quá trình chuyển hóa năng lượng từ năng lượng vật chất lên năng lượng vũ trụ và nhận năng lượng vũ trụ để chuyển hóa xuống thành năng lượng vật chất. Khi hai năng lượng này giao thoa với nhau sẽ phá vỡ những chủng tử nghiệp chướng. Nếu các chủng tử nghiệp chướng càng được tiêu trừ thì âm thanh nghe sẽ dần trở nên thanh nhẹ và sắc bén hơn. Đây chính là một sự chuyển hóa năng lượng đi từ tần số âm thanh thấp đến tần âm thanh cao hơn. Khi ta tu Âm thanh một thời gian ta sẽ nghe những tiếng nổ trong đầu chính là đang phá vỡ những chủng tử nghiệp chướng. Khi đạt đến âm thanh Lôi Chấn Âm, Minh Sư sẽ thọ pháp Quán Quang – khai mở trực diện năng lượng Vô Lượng Quang hay A Di Đà trong tâm ta và ta chính là năng lượng đó. Khi Minh sư thọ pháp Quán Quang ta sẽ thấy lại nổ Big Bang và ánh sáng sáng rực như ngàn mặt trời.
Đây là phương pháp tâm truyền tâm, ngọn đèn mồi lại ngọn đèn. Các pháp môn này đã bị thất truyền từ hàng ngàn năm nay nên chỉ có vị Minh Sư – người nắm quyền Tâm Ấn – người có quyền năng từ lý đến sự với đầy đủ các pháp môn tu tập – mới khai mở được cho ta dòng năng lượng này.
Minh sư sẽ mồi lại cho ta ngọn đèn sáng Nhiên Đăng Phật và từ đó ta tiếp tục tu để ngọn đèn càng cháy sáng cháy mạnh. Cho đến khi ngọn đèn sáng mãi mãi là ta từ tiểu vũ trụ hòa nhập vào đại vũ trụ hay hòa nhập vào năng lượng Vô Lượng Quang đó.